Bắt sống 2 tên lính Polpot nhưng lại để "cá lớn vượt ngục"
Trong chiến dịch Tà Sanh, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 866, Sư đoàn 31, Quân đoàn 3 của chúng tôi trên
Chiến trường K
được lệnh tiếp tục lùng sục phía Tây Bắc Tức Sóc, tìm kiếm kho tàng của địch.
Ở đại đội 1 có Dương tiểu đội trưởng cối 60mm, quê Nghĩa Đàn Nghệ An. Dương rủ Khuê, quê ở Quỳ Hợp Nghệ an đi xăm tìm hầm.
Tác giả Lê Tài - Nguyên Đại đội phó C7, D2, E866, Sư đoàn 31, Quân đoàn 3 trong Chiến tranh Biên giới Tây Nam.
Khuê là một trong những người ở lại cảng Bến Thủy trông coi hàng hóa cho sư đoàn từ năm 1977. Mãi đến Tết năm 1979 hàng hết, mới về lại đơn vị cũ được mấy ngày. Hôm đó do chủ quan khinh địch nên chỉ có Khuê mang theo khẩu AK, còn Dương cầm cây thuốn.
Đang dò tìm Khuê nghe tiếng động, ngẩng lên phát hiện hai thằng địch đi đến gần, trong đó một thằng cao gầy, mang AK đi trước. Tên thấp đậm mang súng ngắn K59 đi sau. Không biết tiếng Campuchia, Khuê quay sang hỏi Dương:
- Giơ tay lên tiếng K là gì?
Dương trả lời:
- Là Lớc đay lơng.
Chỉ cần thế, chờ chúng đến sát, từ trong bụi le, Khuê nhảy ra gí súng vào ngực thằng mang súng ngắn hô:
- Lớc đay lơng.
Hai tên địch hoảng hồn giơ tay đầu hàng. Dương nhanh chóng nhảy ra tước súng, cởi áo chúng trói lại, dẫn về giao cho tiểu đoàn. Tại đây chúng khai là đại đội trưởng và liên lạc.
Bộ đội tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K cứu giúp và đưa người dân Campuchia trở về quê cũ sau thời gian dài bị quân Pol Pot lùa vào các trại lao động khổ sai. Ảnh Tư liệu QK9.
Buổi tối trung đội vận tải cùng dân vận canh gác tù binh. Đến khuya thằng chỉ huy xin đi vệ sinh. Lúc đầu lính ta không chịu, nhưng sau thấy hắn ôm bụng quằn quại, thương tình cởi trói. Chỉ chờ vậy tên địch liền xông tới chụp khẩu AK dựng gần đó, bỏ chạy vào rừng ngay trước mũi khẩu 12,7mm.
Lính tiểu đoàn bộ choàng dậy quét 12,7mm, vãi đạn AK theo nhưng không trúng. May là hắn chỉ lo chạy thoát chứ không bắn số lính ta ngủ sát đó.
Mất thẳng chỉ huy của Polpot, bực tức, ban dân vận quay sang khai thác tên liên lạc. Tên lính lúc này mới khai thật ra thằng chạy thoát là Trung đoàn trưởng trung đoàn Cận vệ Phnom Penh, bảo vệ chính phủ Khơ me Đỏ quay lại tìm kim loại quý.
Chắc là hai thằng định đi ăn mảnh rồi đào ngũ. Ban chỉ huy tiểu đoàn nghe vậy tiếc đứt ruột.
Bắt hụt trùm diệt chủng Polpot
Tên tù binh được đưa về trên. Hắn khai được sinh ra ở vùng ngã ba biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia. Ngoài tiếng mẹ đẻ còn biết cả tiếng Lào nhưng không biết tiếng Việt, ở đơn vị cận vệ, công vụ cho cả Pol Pot, Ieng Sary và Khieu Samphan(?)
Theo tên này, bọn chỉ huy Khmer Đỏ đều có các tên bí danh. Polpot có tên là Văn, còn Ieng Sary có tên là Eng và Khieu Samphan tên là Phon. Đặc biệt hắn cho biết Polpot bị bệnh tim, di chuyển phải có người khiêng, không tự đi được.
Sau khi được tuyên truyền vận động, hắn nhất trí dẫn lực lượng ta đuổi theo Polpot và bọn đầu não. Nhiệm vụ này được Quân đoàn giao cho tiểu đoàn trinh sát, do tiểu đoàn phó Trần Đăng Quế trực tiếp tổ chức và chỉ huy thực hiện.
Toán trinh sát gồm 17 người tính cả chỉ huy, thông dịch thuật tin, y tá và phiên dịch, mang theo cả hỏa lực B40 và M79.
Xe chở toán đặc nhiệm từ Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn chạy thẳng đến Sở chỉ huy của Trung đoàn 886, lúc này đang đứng chân tại Tây Nam Tà Sanh, cách khoảng 5km trên hướng Tức Sóc. Từ đây trở đi có tên tù binh dẫn đường.
Đi được khoảng 1 km về phía Tây Nam, nơi tiểu đoàn 1 đã đánh chiếm, tên tù binh chỉ đây là chỗ trú quân của Polpot trước khi ta đánh vào Tà Sanh. Hắn chỉ vị trí cụ thể từng chỗ nằm của từng tên đầu não địch.
Polpot (trái) cùng chế độ diệt chủng đã cướp đi sinh mạng của gần 2 triệu người vô tội. Ảnh: REUTERS
Đơn vị trinh sát đi tiếp, chiều đến một chân dốc núi cao, phát hiện được mấy sổ ghi nhận điện (dạng của cơ yếu) bằng chữ tượng hình. Như vậy có thể khẳng định cố vấn "nước lớn" vẫn đi cùng Polpot và Trung ương Khmer Đỏ. Ở đó còn có một chiếc máy nổ nhỏ dạng xách tay chúng bỏ lại.
Tiếp tục một quãng đường rừng leo đốc tương đối vất vả, đến chập tối thì toán đến điểm dừng đầu tiên của chính phủ Khmer Đỏ. Cũng như lần trước, tên tù binh chỉ cụ thể vị trí nằm của từng tên đầu sỏ.
Anh Quế cho cả toán dừng lại, bố trí canh gác cảnh giới rồi cùng một tổ đi một vòng vị trí trú quân của chúng. Qua dấu vết để lại có thể có khoảng một tiểu đoàn địch đi theo bảo vệ Polpot và Chính phủ địch. Trú quân một đêm nhưng chúng cũng tổ chức thế phòng ngự rõ ràng, bảo vệ nghiêm ngặt.
Các chiến sỹ Quân khu 9 tiêu diệt quân Pol Pot đến gây tội ác ở Phú Cường, xã An Nông, huyện Bảy Núi (An Giang), ngày 19/1/1978. Ảnh: TTXVN
Ngày thứ hai, đội đặc nhiệm tiếp tục cuộc hành trình truy đuổi trên dãy núi Kravanh chạy sát biên giới Thái Lan. Qua hai ngày tiếp xúc, tên tù binh có vẽ ngoan ngoãn và thật thà.
Đến chiều, toán trinh sát cũng đến được vị trí dừng chân thứ 2 của địch. Tên tù binh tiếp tục chỉ từng vị trí của từng tên đầu sỏ nghỉ qua đêm và vị trí các đơn vị bảo vệ.
Có điểm khác biệt là ở đây chúng vứt lại khá nhiều thứ, kể cả những thứ quí như cà phê hòa tan, quần áo các loại… Đặc biêt là cả vali, bộ đồ bộ tiểu phẫu, thuốc trợ tim, B1, B12, Cafein, sâm...
Tên tù binh chỉ cho anh Quế bộ quần áo nào là của Polpot, bộ nào là của Ieng Sari.
Ở đây, tên tù binh nói đi đến đây thì được phái quay lại, nên từ đó trở đi nó không biết nữa. Cũng chiều hôm đó anh Quế báo cáo tình hình về. Quân đoàn cho dừng truy kích.
Lính ta lấy những thứ cho là quý như sâm, thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế, cà phê hòa tan… quay về. Quãng đường quay lại cũng mất gần hai ngày.
Sau khi về đến Sở chỉ huy Quân đoàn, anh Quế lên báo cáo với Trưởng phòng Trinh sát Nguyễn Văn Tức. Trưởng phòng hỏi sao không nhặt mấy bộ quần áo đó để làm chứng. Anh Quế nói anh em mang nặng bết lắm rồi, mà quần áo chúng quá hôi nên ngại.
Trưởng phòng không nói gì thêm. Cuộc truy đuổi coi như kết thúc. Trung đoàn 866 và tiểu đoàn trinh sát có lúc tưởng như đã tóm sống được Polpot và bọn đầu sỏ Khmer Đỏ trên Chiến trường K đến nơi nhưng vẫn hụt. Thật đáng tiếc!